Sau 3 ngày các ĐBQH thực hiện chất vấn và các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC trả lời chất vấn. Các ĐBQH và cử tri cả nước đều phần nào cảm thấy thỏa mãn và đầy hy vọng các 'tư lệnh ngành' sẽ nhìn rõ và xử lý tốt các vấn đề mà ĐBQH đưa ra.
Cùng nhìn lại quá trình chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, nhiều câu hỏi của các ĐBQH và các thành viên trả lời chất vấn được cử tri cả nước đánh giá rất cao về sự thẳng thắn, minh bạch và cả quyết tâm của người đứng đầu.
Thủ tướng Chính phủ: Không để các vụ án tham nhũng “chìm xuồng“. Ảnh: QH
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
"Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng. Không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng"
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) là người đầu tiên chất vấn Thủ tướng, ĐB Tám đề nghị Thủ tướng cho biết những giải pháp để phát triển thành phần kinh tế tư nhân?
Thủ tướng trả lời:
Năm qua, 125.000 doanh nghiệp tư nhân đăng ký, trong đó 93.000 doanh nghiệp hoạt động tốt. Chính phủ hỗ trợ nhà đầu tư, giảm lãi vay, giảm lệ phí không chính thức, tránh kiểm tra chồng chéo.
"Tôi đề nghị các doanh nghiệp tư nhân nói không với việc đưa hối lộ cho các cấp, các ngành. Chính phủ và các cấp chính quyền cần tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển, cụ thể như cho tư nhân tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hợp tác liên kết..."
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn: Thủ tướng có thấy hài lòng về điều hành kinh tế xã hội năm 2017 không? Có hay không vùng cấm trong việc xét xử, xử lý những vụ đại án tham nhũng như đã xét xử thời gian vừa qua?
Thủ tướng trả lời:
"Năm 2017 là năm đầu tiên chúng ta hoàn thành 13 chỉ tiêu mà Trung ương đề ra. Nhưng chúng tôi nhận thức rằng mới chỉ là bước đầu. Nói về việc có hài lòng không thì phải nói chưa hài lòng. Vì vậy chúng ta phải quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa… Nếu tất cả các đồng chí cán bộ chúng ta đồng lòng, quyết tâm hơn nữa thì kết quả tốt hơn".
"Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng. Không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng. Vì vậy hệ thống hành pháp phối hợp với các hệ thống tư pháp để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và sẽ công khai trước Quốc hội các kết quả xử lý".
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: “Rà soát các văn bản pháp luật, mở đường cho công đoàn khởi kiện“. Ảnh: QH
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình:
“Đề nghị Quốc hội cho phép rà soát lại các văn bản pháp quy để mở đường cho việc khởi kiện của công đoàn”
ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) nêu vấn đề doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài trong khi luật công đoàn, luật bảo hiểm xã hội, luật tố tụng dân sự quy định tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện. Thế nhưng, các đơn này đều bị tòa án trả lại. "Nguyên nhân là gì? Phải làm sao để tổ chức công đoàn có thể thực hiện quyền khởi kiện?"
Chánh án trả lời:
Hiện có hơn 100.000 đơn vị đang nợ của 2,6 triệu lao động số tiền 14.700 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội đã khởi kiện 8.880 vụ, yêu cầu trả 6.000 tỷ. Tòa án các cấp xử 3.986 vụ; còn 1.400 đơn trả lại cho các cấp.
Theo Chánh án, tòa có công văn không thụ lý đơn khởi kiện là do không phù hợp với trình tự tố tụng hiện hành. Cụ thể như đại diện công đoàn không được người lao động ủy quyền nên thông tin tới tòa không chắc chắn, nhiều đại diện công đoàn không có mặt tại tòa...
Chánh án cho biết, theo Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự thì sau 1.1.2018, vi phạm nợ bảo hiểm bắt buộc là tội phạm, nếu có vụ án hình sự xảy ra, các cơ quan điều tra vào cuộc thì tòa án phải thụ lý, giải quyết.
Tòa án nhân dân tối cao sẽ có Nghị quyết và được ban hành trước thời điểm Bộ luật hình sự, Tố tụng hình sự có hiệu lực.
Không nhất trí với giải trình của Chánh án, ĐB Trương Thị Bích Hanh, Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) lần lượt tranh luận và cho rằng việc tòa không tiếp nhận đơn khởi kiện của công đoàn là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí tới mức vi hiến.
Tiếp thu ý kiến phản biện, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng hạ tầng pháp lý hiện tại, việc giải quyết của tòa án như thế là đúng và đề nghị Quốc hội cho phép "rà soát lại các văn bản pháp quy để mở đường cho việc khởi kiện của công đoàn".
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn: “Dòng chảy chính của báo chí hiện nay vẫn là dòng chủ lưu”. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn:
"Dòng chảy chính của báo chí hiện nay vẫn là dòng chủ lưu"
ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) chất vấn: "Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông là tình trạng vi phạm chủ yếu liên quan đến việc thông tin sai sự thật, thông tin chưa chính xác ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn con người. Trên phương diện quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, Bộ trưởng và ngành truyền thông thông tin sẽ có những giải pháp như thế nào để giải quyết tình trạng trên.
Bộ trưởng trả lời:
"Gần đây ta có thể thấy rằng những sai phạm của báo chí là rất lớn. Tuy nhiên, sai phạm của báo chí đó cũng không thể làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay vẫn là dòng chủ lưu".
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: “Thông tin người Việt Nam chi 3 tỷ đô la mua nhà tại Mỹ là không có cơ sở”
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng:
"Thông tin người Việt Nam chi 3 tỷ đô la mua nhà tại Mỹ là không có cơ sở"
ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu): Báo chí phản ánh người Việt Nam chi 3 tỷ đô la mua nhà tại Mỹ. Số liệu này có phải là lượng ngoại tệ chuyển từ Việt Nam sang Mỹ để mua bất động sản hay không? Cơ chế kiểm soát, giám sát dòng tiền ra nước ngoài hiện nay của Ngân hàng nhà nước thế nào?
Thống đốc trả lời:
Thông tin về mua bất động sản tại Mỹ cũng không có cơ sở để khẳng định con số này là dòng ngoại tệ chuyển tiền ở Việt Nam ra để mua bất động sản tại Mỹ.
Số liệu người Việt Nam mua bất động sản tại Mỹ là do hiệp hội quốc gia, các chuyên viên địa ốc của Mỹ công bố, được thực hiện qua phiếu điều tra. Số liệu có thể là người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ thì họ cũng tính vào người nước ngoài. Công dân Việt Nam nhưng sinh sống ở các quốc gia khác và đến Mỹ mua nhà thì cũng được tính là người Việt Nam.
Chúng ta đã có cơ chế kiểm soát khá đầy đủ. Đã kiểm tra giám sát hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài thông qua việc ban hành các quy định về trách nhiệm tổ chức tín dụng được phép.
Bô trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: ” Tinh thần của Bộ là chống tiêu cực trong và ngoài ngành“. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:
"Tinh thần của Bộ Tài chính là chống tiêu cực trong và ngoài ngành"
Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình):
Có 63% hộ kinh doanh đi đêm với cán bộ thuế. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thực trạng này hiện nay còn phổ biến không?
Bộ trưởng trả lời:
"Đúng như đại biểu nêu. Năm 2015 qua khảo sát, đánh giá có 61% hộ kinh doanh "đi đêm" với cán bộ thuế nhưng 2016 vừa qua, đánh giá lại thêm một bước nữa thì còn 31%.
ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội): Tình trạng buôn lậu khiến ngân sách một phần "đội nón ra đi", một phần tiền lại "chảy" vào túi cán bộ hải quan và ngân sách thất thu.
Bộ trưởng trả lời:
Nhiều vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thuế do chính Bộ Tài chính phát hiện, chỉ đạo và phối hợp với Bộ Công an. Vừa rồi vụ việc đã được xử lý, trách nhiệm rất nặng. Nói như vậy để khẳng định tinh thần của Bộ Tài chính là chống tiêu cực trong và ngoài ngành.
T.H.Q
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét